Mùa hè oi bức, nhà chật càng khiến không khí trong nhà trở nên ngột ngạt. Bạn có thể giải nhiệt chống nóng cho căn nhà của mình bằng những bí quyết đơn giản.
Giàn dây leo trồng hướng có nắng có tác dụng rất tốt để làm mát nhà.
Trồng dây leo bám xung quanh nhà
Theo anh Đỗ Nam, tư vấn kỹ thuật Công ty Cổ phần công nghệ Vĩnh Tường, hiện có nhiều giải pháp cách nhiệt cho nhà hiện đại. Nhưng tốt nhất là chống nóng cho nhà ở cần làm ngay từ khi xây dựng. Xử lý tốt sẽ giúp phần tường và cửa nhà dịu mát, giảm dùng máy lạnh, đồ chống nóng rất nhiều.
Để cách nhiệt cho tường, ở hướng nắng gắt nên xây tường dày 20-40cm, đặt lớp cách nhiệt bằng xốp giữa tường, hay tạo khoảng trống để tăng khả năng cách nhiệt. Nhà diện tích nhỏ có thể trồng dây leo xanh bám sát, hay gần tường, hoặc treo các chậu hoa để giảm nóng. Nếu trước hay sau nhà có bất cứ khoảng trống nào thì thay đổ bê tông nên trồng cây hoặc để cỏ mọc sẽ giảm tích lũy nóng và độ nóng hắt vào nhà.
Với nhà hình ống có thể dùng lưới thép gắn chặt cây vào tường. Ngoài ra có thể trồng cây xanh loại ưa sáng, chịu nóng tốt trên sân thượng.
Một phòng cần hai cửa sổ
Nhiều nhà mở cửa sổ, cửa đi sai cách nên không khí khó lưu thông, để gió quẩn vào nhà mà hơi nóng không thoát ra được, khó trao đổi khí mát từ ngoài vào. Một phòng ở cần hai cửa sổ không cùng phía để tạo lối gió và khí ra vào. Cửa sổ, cửa đi nên thiết kế cao và nhiều cửa để đối lưu không khí, và khi đóng cửa nhà vẫn thoáng. Vì nhà chật, nhỏ nên bạn không cần phải mở cửa sổ to mà chỉ cần tạo những ô cửa sổ nho nhỏ, dùng cửa kéo lên, hạ xuống hoặc cửa kéo một bên đều được. Hạn chế dùng cửa nhôm kính vì khả năng gây bức xạ nhiệt của chúng rất cao. Nếu cần phải dùng thì nên dùng kính cách nhiệt.
Nếu cả ba phía bị bịt kín bởi nhà khác, thì giải pháp tốt là làm giếng trời.
Nhà ống hay bị nóng, không khí kém lưu thông nên rất cần lỗ thông gió. Nếu nhà không có lỗ thông gió thì không khí nóng trong nhà không có đường ra, nhà sẽ nóng. Bạn nên làm lỗ hổng đàn hồi (lỗ thông gió gắn liền với mọi tầng nhà) để không khí nóng dễ thoát khỏi nhà. Cửa mở của lỗ đàn hồi nên đặt ở tầng cao nhất, giúp không khí nóng thoát ra khỏi nhà, không khí lạnh dễ vào làm nhà luôn mát thoáng.
Treo vải nhúng nước, mành trước cửa
Bí quyết giảm nóng, bức xạ tốt nhất, đơn giản, hiệu quả nhưng ít người biết đến là treo ở cửa ra vào, cửa sổ những tấm vải to nhúng nước để ngăn hơi nóng từ ngoài vào nhà.
Ngoài ra, bạn nên đóng cửa các phòng trống. Luôn mở cửa sổ ban đêm và sáng sớm – khi nhiệt độ còn thấp để không khí mát vào nhà nhiều. Khi nắng lên thì kéo rèm cửa phòng hay sinh hoạt giữ độ mát lâu hơn. Hạn chế nhiệt lượng tỏa ra từ các thiết bị tạo nhiệt trong nhà (như đèn, lò nướng, máy tính…). Dùng đèn compact để giảm điện năng và nhiệt độ tỏa ra nhà.
Nếu có điều kiện, bạn nên đầu tư các thiết bị cách nhiệt tại vùng đón nhiều ánh nắng bằng gạch, xốp, film cách nhiệt, sơn trắng để giảm độ hấp thụ nhiệt.
Chọn trần cho mái nhà
Mái nhà tiếp xúc nhiều và trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Xử lý tốt mái nhà là đã chống nóng được 50%. Nên dùng hệ thống trần thạch cao, vách ngăn chống nóng để giảm thiểu tích nhiệt và làm mát nhà hơn 8% so với nhiệt độ bên ngoài.
Trên thị trường hiện có nhiều loại trần chìm, trần nổi chống nóng bằng thạch cao, bông thủy tinh có bạc dày 50mm lắp đặt cho trần nhà. Khoảng cách giữa mái với trần càng nhiều thì độ nóng vào nhà càng giảm.
Với nhà hoặc tầng áp mái lợp tôn theo KTS Quốc Bình (Công ty Qbi), chống nóng tốt nhất là dùng hệ thống trần nổi/chìm bằng thạch cao cách nhiệt.Trần nổi dùng hệ thống khung và tấm thạch cao tiêu chuẩn Gyproc, hoặc tấm DURAflex và một lớp bông thủy tinh có bạc dày 50mm. Trần chìm (trần giả đúc) thẩm mỹ, có thể giật cấp để không gian phòng đẹp hơn. Vật liệu cũng dùng khung sắt, thạch cao và một lớp bông thủy tinh có bạc dày 50mm.
Bạn cũng có thể dùng tôn cách nhiệt chống nóng dán PU; tấm nhôm có chứa túi khí polynum trải dưới tôn. Hoặc đóng la-phông, đệm lớp mút dày khoảng 10 cm giữa lớp la-phông và mái nhà sẽ giảm được 40 – 50% hơi nóng.
Việc lắp đặt mái hiên chống nóng, làm thêm các lỗ thông gió ở tầng áp mái, hoặc sơn chống nóng cũng giúp nhà thoáng mát, thoát hơi.
Dù chống nóng cách nào, cũng lưu ý đặt lỗ thông gió, cửa sổ để đưa khí nóng ra ngoài, giúp nhà luôn thoáng mát, không bức bối. Nên nhờ kiến trúc sư, nhân viên tư vấn kỹ thuật để tùy mức độ chống nóng của trần, tường nhà mà dùng vật liệu chống nóng.
Bố trí phòng chặn nắng
Khi xây dựng, bạn cũng có thể bố trí các phòng chặn nắng theo cách sau:
- Phòng ngủ nên đặt hướng Đông để tránh ánh nắng chiều. Phòng để đồ, phòng tắm nên đặt ở hướng Tây để ngăn nóng. Phòng nghỉ, phòng tiếp khách nên đặt ở hướng Bắc vì ánh sáng chiếu vào buổi trưa ít nhất.
- Đặt vòi phun nước hoặc đồ che nắng, chống nóng tránh ánh sáng chiếu thẳng vào nhà.
- Sơn tường phòng, lát nền bằng màu nhạt nhằm giảm tích nóng.
- Nếu khó chọn hướng nhà, hãy ưu tiên hướng tốt để chống nóng.
- Mở lỗ trống lấy ánh sáng tự nhiên và lưu thông không khí.
- Không đổ bê tông quanh nhà vì sẽ tích nhiệt đưa vào nhà.
- Nên trồng cây, làm hồ nước, bể cá, non bộ… để tụ thủy và mát hơn.
Tin cùng chuyên mục:
5 điều quan trọng cần xem xét trước khi mua vách ngăn kính
Các vách ngăn phòng tắm phổ biến và cách lựa chọn
Ưu điểm và nhược điểm chính của cửa phòng tắm kính không khung
Kính chống cháy 8mm 60 phút