KÍNH XÂY DỰNG CAO CẤP: Tiền Việt nuôi doanh nghiệp ngoại

KÍNH XÂY DỰNG CAO CẤP: Tiền Việt nuôi doanh nghiệp ngoại

Ngày nay, các kiến trúc sư (KTS) đã coi kính như một vật liệu chính trong xây dựng và trang trí nội ngoại thất quan trọng. Tuy nhiên, cũng từ nhiều năm nay, các doanh nghiệp nước ngoài đã lợi dụng ngành kính còn đang non trẻ của Việt Nam để làm giá, bằng cách đưa ra các tiêu chuẩn mà ở Việt Nam hoặc các đối tác không đáp ứng được để đưa kính từ nước họ vào công trình với giá “cắt cổ“ mà nhà đầu tư (NĐT) vẫn phải ngậm “bồ hòn làm ngọt”.

Trong khi ở nước ngoài, trước khi mua một sản phẩm người tiêu dùng luôn nghiên cứu rất kỹ quy mô và năng lực sản xuất của đối tác, tham quan trực tiếp nhà máy để “trăm nghe không bằng một thấy”. Còn ở ta, tất cả phụ thuộc vào môi giới. Nhiều khi khách hàng và các nhà đầu tư mua phải hàng rởm, hàng nhái nhưng vẫn phải trả tiền hàng thật. Thích giấy chứng nhận gì phía nước ngoài có giấy chứng nhận “xịn” liền, chỉ có sản phẩm là rởm. Trăm sự chỉ tại tâm lý luôn sính ngoại, coi đồ ngoại luôn tốt hơn đồ nội của người Việt và không ít đối tác nước ngoài đã nắm được – gót chân “Asin” ấy.

Ngay như Tập đoàn Kính Saint Gobain của Pháp, sau bao nhiêu năm có nhà máy làm ăn ở Trung Quốc, mà đến tháng 10.2014 đã phải tuyên bố đóng cửa vĩnh viễn nhà máy ở Trung Quốc vì nạn hàng rởm, hàng nhái hoành hành mang thương hiệu Saint Gobain. Như vậy, thử hỏi bao nhiêu công trình trước thời điểm đóng cửa đó ở Việt Nam mua phải hàng rởm mang thương hiệu Saint Gobain của tập đoàn Pháp? Đã đến lúc phải có hồi chuông cảnh báo sự làm ăn chộp giật, gian lận, nếu muốn Việt Nam là đối tác thương mại đáng tin cậy của thế giới. Luật Bảo vệ người tiêu dùng đang ở đâu?

Qua bài viết này, chúng tôi muốn nêu một ví dụ cụ thể: Nhà đầu tư (NĐT) trong nước phải mua sản phẩm kính thành phẩm của Viracon sản xuất ở Mỹ với giá khoảng 150 – 300USD/m2. Vậy, giá “cắt cổ“ như thế là do những chi phí nào? Thứ nhất, do các KTS người Mỹ đã chỉ định phải mua của Viracon. Thứ hai, do tiền công lao động ở Mỹ gấp khoảng 10 lần ở Việt Nam. Thứ ba, tiền vận chuyển thành phẩm từ Mỹ về Việt Nam quá cao. Như vậy, rõ ràng NĐT ở Việt Nam đã trả tiền lương và tiền vận chuyển cho nước Mỹ xa xôi.

Ngoài ra, khi NĐT mua hàng nhập khẩu phải thanh toán trước 100% tiền mua, không được bảo hành, nếu một tấm kính bị vỡ phải chờ 6-7 tuần mới có tấm kính thay thế và trả với giá đã đắt nay còn đắt hơn nhiều.

Một vấn đề nữa, khi nhập khẩu kính nguyên liệu, nhà đầu tư chịu mức thuế nhập khẩu 35% trong khi nhập thành phẩm chỉ chịu mức thuế 5%, người ta đã cắt kính thành các kích thước thành phẩm nhưng không qua gia công để khai báo là kính thành phẩm nhằm trốn thuế, việc buôn lậu này vẫn lọt qua hàng rào thuế quan của Hải quan Việt Nam? Đây là một cơ chế bóp chết các nhà gia công đủ năng lực sản xuất trong nước (kể cả nhà sản xuất kính nguyên liệu trong nước). Có thể, nhà làm luật vào thời điểm nào đó đưa ra mức thuế này là kịp thời và hợp lý, nhưng qua nhiều năm, nó đã lạc hậu nhưng vẫn được áp dụng gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước.

Do chất lượng sống ngày càng được nâng cao, cùng với sự biến đổi khí hậu khó lường bắt buộc kính xây dựng cũng phải được nghiên cứu phát triển để đáp ứng nhu cầu. Trong xây dựng, nhất là các toà nhà cao tầng, do phải đảm bảo an toàn tính mạng con người, giảm thiểu hiệu ứng nhà kính, khí thải CO2, chống bão lớn, chống động đất và tạo môi trường xanh, bắt buộc phải dùng kính cường lực, kính dán an toàn hai hoặc nhiều lớp, hay kính hộp (các tấm để tạo nên kính hộp cũng phải là kính cường lực hoặc dán an toàn tạo nên). Để cao cấp hơn và để có nhiều tính năng tiện ích hơn các nhà khoa học đã nghiên cứu ra các lớp phủ lên bề mặt của kính (phản quang, low-e phủ cứng, phủ mềm…) với mục đích cách âm, cách nhiệt, ngăn cách các loại tia như tia cực tím, tia hồng ngoại, tử ngoại và các loại sóng gây ảnh hưởng đến sức khoẻ con người. Hiện nay, đã có một số doanh nghiệp đầu tư sản xuất các loại kính cao cấp này như: Sado Group, Viglacera …

Câu hỏi đặt ra, phải làm thế nào để tạo điều kiện từ cơ chế chính sách đến nguồn lực cho các doanh nghiệp Việt Nam đang và sẽ đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại để sản xuất các sản phẩm kính cao cấp phục vụ nhu cầu xây dựng đất nước và xuất khẩu thu ngoại tệ, để chúng ta không – thua trên sân nhà“ trong hội nhập quốc tế?

Theo Báo Lao động
Nhấn vào đây để đánh giá bài này!
[Tổng: 0 Average: 0]

Trả lời

Tính giá